Diễn đàn lớp mình
Diễn đàn lớp mình
Diễn đàn lớp mình
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn đàn lớp mình

Dành cho những ai quan tâm
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Nguyên Soái
Nguyên Soái
Admin


Tổng số bài gửi : 29
Join date : 12/01/2010
Age : 44

Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2) Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2)   Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2) I_icon_minitimeSun Oct 03, 2010 2:42 pm

Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2)
Nguyễn Đình Thi cũng có vai trò định hướng nền văn nghệ cách mạng từ những ngày hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc. Năm 1946, ông và Nguyễn Hữu Đang ra mắt cuốn sách Một nền văn nghệ mới. Sau này, Nguyễn Đình Thi có nhắc đến “Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa” trên báo Văn nghệ số 10 – 3 – 1949. Đây là một cụm từ mới mẻ so với lúc bấy giờ. Ông còn công bố một số tác phẩm lý luận văn nghệ như: Mấy vấn đề nghệ thuật (1950), Mấy vấn đề văn học (1956), Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (1957). Với tư cách là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, ông có nhiều điều kiện để định hướng sáng tác cho các nhà văn. Nguyễn Đình Thi không chỉ đề ra những lý thuyết văn nghệ mà còn ứng dụng vào trong thực tiễn sáng tác tiểu thuyết. Ông có các tác phẩm về phương pháp sáng tác như: Bước đầu của việc viết văn (1959), Nâng cao chất lượng sáng tác (viết chung với Hoàng Trung Thông) (1960). Năm 1964, ông tập hợp những bài giảng về tiểu thuyết cho các bạn trẻ yêu thích văn học và in thành tập Công việc của người viết tiểu thuyết. Ông quan niệm,“Tiểu thuyết ngày nay không những là một công cụ đắc lực để tìm hiểu và miêu tả sự thật của đời sống con người, mà nó còn phải chiến đấu để làm thay đổi được xã hội, góp phần tạo ra một cách sống mới, một tâm hồn mới cho con người”. “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết, theo tôi là miêu tả những con người và tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội” [221, tr. 131, 155]. Ngoài ra, Nguyễn Đình Thi còn gợi ý về kỹ thuật viết văn. Những tác phẩm lý luận và sáng tác của ông đã trở thành tài liệu học tập quan trọng cho nhiều nhà văn trẻ.

Có thể nói hầu tất cả các lý luận gia của Đảng đều dùng văn nghệ làm một phương tiện để truyền đạt những quan điểm chính trị của mình. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng cũng đồng thời là nhà lý luận phê bình văn nghệ. Như Đặng Thai Thai với Trên đường học tập và nghiên cứu (1958 – 1965 – 1973), Tiến tới đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 (viết chung với Hồng Chương) (1961). Hồng Chương với Đẩy mạnh sáng tác văn nghệ (1961), Mãi mãi đi theo đường lối văn nghệ của chủ tịch Hồ Chí Minh (1971). Hải Triều với Về văn học nghệ thuật (1965). Hà Xuân Trường với Mấy vấn đề văn nghệ (1961), Vì một nền văn nghệ mới Việt Nam (1971). Hoài Thanh với Xây dựng nền văn hóa nhân dân (1949), Nhân văn Việt Nam (1949), Phê bình và tiểu luận (1961)… Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm lý luận khác cũng góp phần định hướng sáng tác như: Hiện thực cách mạng và văn học nghệ thuật (Hà Huy Giáp) (1970), Trên mặt trận văn học (Vũ Đức Phúc) (1972), Noi theo đường lối văn nghệ Mác – Lênin của Đảng (Nam Mộc) (1968), Chặng đường mới của văn nghệ chúng ta (Hoàng Trung Thông) (1961), Qua những chặng đường văn nghệ (Đông Hoài) (1970), Văn nghệ, vũ khí sắc bén (Nhiều tác giả) (1962), Những nhiệm vụ mới của văn học (Nhiều tác giả) (1963)… Và các tác phẩm khác của Như Phong, Vũ Khiêu, Khái Vinh, Hoàng Xuân Nhị… Công tác phê bình có tác dụng định hướng sáng tác và tiếp nhận văn học.

Để cho văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm theo đúng định hướng của mình, Đảng đã bao cấp lương bổng, cơ sở vật chất cho các cơ quan văn nghệ, tạo điều kiện cho các nhà văn đi thực tế dài ngày, mở các trại sáng tác... Nhà nước lo khâu in ấn phát hành và biểu dương những tác phẩm thể hiện đúng tinh thần của Đảng. Nhìn chung, tuyệt đại đa số các văn nghệ sĩ miền Bắc đã thực hiện đúng các chủ trương của Đảng. Họ sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN, tuân thủ các nguyên tắc về tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc… Họ chấp hành sự phân công của Đảng, sẵn sàng có mặt ở chiến trường, vùng rừng núi hiểm trở, công xưởng, đồng ruộng… Họ sáng tác theo chỉ thị của Đảng, sau mỗi đợt phát động về quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội… thì cũng nảy sinh nhiều tác phẩm minh họa cho tính đúng đắn của chính sách đó.

IV. Ý thức viết tiểu thuyết của các nhà văn

Tiểu thuyết là thể loại chủ lực của văn xuôi, cũng đồng thời là thước đo sự trưởng thành của một nền văn học. Nó là danh dự, là niềm tự hào của mỗi dân tộc, “thiếu nó, dân tộc thiếu sử thi”. Hoặc nói như Hegel: “Danh dự của mỗi dân tộc cần phải có Homeros của riêng mình”. Chính vì ý thức được điều đó mà các nhà tiểu thuyết cách mạng Việt Nam luôn khao khát viết được những bộ tiểu thuyết tầm cỡ để nói lên được sự vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên, sự sinh thành và phát triển của tiểu thuyết gặp nhiều khó khăn hơn các thể loại khác.

Trong cuộc chiến tranh lần thứ Nhất, các nhà văn đối diện với một cuộc sống mới mẻ chưa từng có trước đó. Họ phải trải qua giai đoạn “nhận đường”, thâm nhập thực tế, bởi vậy chưa dễ dàng viết ngay được những tác phẩm dài. Nói như Tô Hoài: “Tôi nghĩ là trước nhất cuộc sống cách mạng còn quá mới mẻ đối với chúng tôi”. Trong bối cảnh chiến tranh lần thứ hai, đời sống thiếu thốn trăm bề, người ta cũng khó chấp nhận những nhà văn chỉ biết đóng cửa ngồi nhà viết tiểu thuyết. Đối với các nhà văn có mặt ngoài chiến trường thì hình như việc viết lách chỉ là phụ. Còn chức danh chính của họ là nhà báo, cán bộ tuyên huấn, dân vận, sĩ quan, chiến sĩ, giao liên… Ngay cả những nhà văn nằm trong biên chế Hội văn nghệ giải phóng miền Nam hoặc Hội Văn nghệ khu Năm thì phần lớn đều quan niệm: “Viết là tranh thủ, viết là để cầm cự cho có sáng tác” (Nguyễn Trọng Oánh). Phần lớn thời gian của họ dành cho các công việc như: đi về cơ sở hoặc bám theo bộ đội, du kích để đưa tin các trận đánh, phản ánh kịp thời các “gương chiến đấu”, người tốt việc tốt. Xong đợt, trở về cứ làm tạp chí, phát động các cuộc thi, mở trại viết, học tập chính trị, viết tài liệu tuyên truyền, lưu trữ và vận chuyển tài liệu… Họ thường xuyên đối phó với bom đạn, nạn địch càn, dời cứ, đào hầm, cất nhà, tải gạo, trồng mì, tăng gia sản xuất để kiếm miếng ăn… “Tình hình này ngồi viết tiểu thuyết, nó chướng lắm”(Nguyễn Thi). Họ không có nhiều thời gian và công sức để viết các tác phẩm dài.

Ngoài ra, các nhà văn ở chiến trường còn gặp nhiều khó khăn khác như: thiếu giấy mực, nhiều khi phải trả giá bằng xương máu trên đường vận chuyển từ thành thị ra. Thiếu cơ sở in ấn, không có chỗ lưu trữ, bản thảo dễ bị thất lạc… Một khó khăn nữa là phải lo bảo mật thông tin, đề phòng trường hợp rơi vào tay địch. Thời hoạt động ở Quảng Nam, để tích lũy tư liệu cho các tiểu thuyết của mình, Phan Tứ phải ghi chép ký hiệu riêng bằng cách lắp ghép các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga, Lào, Việt… Và phải ghi trong rất nhiều cuốn sổ, mỗi khi chạy giặc, vận chuyển rất khó khăn. Bởi vậy, nhiều nhà văn rất ngại viết tiểu thuyết.

Một khó khăn nữa xuất phát từ quan niệm của các cán bộ lãnh đạo. Nói như nhà văn Dương Thị Xuân Quý: “Gùi cõng, sản xuất, di chuyển, sức khỏe, thiếu thuốc v.v… theo mình chỉ là những khó khăn phụ. Cái đáng sợ nhất là quan niệm của lãnh đạo về văn nghệ” [196]. Nhiều cán bộ và nhân dân cho rằng, văn nghệ chỉ là thứ xa xí phẩm dùng để giải trí mua vui, có cũng được, không có cũng chẳng sao ! Đầu tư cho văn nghệ có vẻ lãng phí hơn đầu tư cho các lĩnh vực khác, nhất là trong thời buổi chiến tranh thiếu thốn. Người ta cần người giỏi cầm súng và giỏi sản xuất lương thực hơn là những người chỉ giỏi lý thuyết sách vở và ca múa… Có một thời, văn nghệ sĩ được xem là đồng nghĩa với tiểu tư sản, ít am hiểu cuộc sống lao động, chiến đấu khổ cực. Nguyên Ngọc cho rằng, mỗi lần về cơ sở thực tế sáng tác, văn nghệ sĩ cũng là một gánh nặng cho du kích và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, nuôi giấu, đưa đường… Trong khi không phải ai cũng đọc được sách để biết nhà văn viết những gì. Hoặc họ cũng không có thời gian để đọc các tác phẩm dài, vì còn phải làm rất nhiều chuyện thiết thực hơn. Một số lãnh đạo còn có những suy nghĩ ấu trĩ về văn nghệ. Có người chủ trương xóa bỏ tuồng, chèo, cải lương, bỏ thơ tự do không vần… Người ta coi trọng các thể loại ngắn như ký, ghi chép, thư từ, các kịch ngắn… hơn là thể loại dài như tiểu thuyết. Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Hình như có một lúc nào đó trước đây, để đề cao thể ký, ta đã đánh giá thấp tiểu thuyết và truyện” [15, tr. 91]. Những thể loại văn học ngắn được đặc biệt chú trọng vì nó phản ánh kịp thời thực tế đấu tranh, đồng thời dung lượng của nó thích hợp cho khuôn khổ của một tờ báo. Bởi vậy thể loại truyện ngắn được các nhà văn đầu tư nhiều hơn tiểu thuyết. Năm 1973, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết: “Truyện ngắn có khả năng phản ánh nhanh chóng những sự kiện nóng bỏng (…) Sống ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, tôi có tính đến cái chết và cái sống. Tôi cũng rất thích viết tiểu thuyết. Ngay từ lúc bắt đầu lên đường về chiến trường, tôi đã nghĩ đến tiểu thuyết. Nhưng khi sống trong thực tế của bạn đọc, tôi nghĩ: biết sống biết chết lúc nào mà để dành. Có cái gì viết cái nấy, phục vụ ngay (…) Nói như vậy không có nghĩa là tôi không tích lũy hay ấp ủ một cái gì lâu dài cho tiểu thuyết. Dạ, có ! Song song với viết truyện ngắn, tôi có chuẩn bị cho tiểu thuyết” [174, T1].

Một nguyên nhân nữa gây trở ngại không ít cho những ai viết tiểu thuyết là do những quan niệm phổ biến tồn tại từ lâu về bản chất của thể loại này. Từ trước năm 1945, ở Việt Nam, người ta quan niệm, tiểu thuyết là câu chuyện về tình yêu lãng mạn, nói về cuộc sống riêng tư, sinh hoạt trong gia đình. Nó là một thể loại văn học để “tiêu khiển”, giải sầu, đọc để “quên mình đi” trong chốc lát, thoát ra khỏi cõi đời ô trọc này. Trong khi đó Đảng cộng sản kêu gọi các nhà văn phải là các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, dùng văn chương để phục vụ các mục tiêu chính trị, tiểu thuyết phải bám sát cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân… Nhiều nhà tiểu thuyết lâu nay chỉ có cảm hứng phê phán xã hội nay Đảng kêu gọi phải ca ngợi xã hội nên không khỏi lúng túng trong khi sáng tác. Ta thấy phần lớn các “vụ án văn học” ở miền Bắc trong thời 1955 – 1975 đều rơi vào thể loại tiểu thuyết. Có thể kể ra hàng loạt tiểu thuyết từng bị chỉ trích toàn bộ tác phẩm hoặc một vài chi tiết như: Đống rác cũ, Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Vào đời, Mười năm, Mở hầm, Phá vây, Mùa mưa, Trên mảnh đất này, Người người lớp lớp, Mùa hoa dẻ, Đất lửa, Những người thợ mỏ, Vỡ bờ, Bốn năm sau, Cái sân gạch, Sắp cưới, Những ngày bão táp, Thôn Bầu thắc mắc, … Nhiều nhà phê bình cho rằng, các nhà văn này chưa quán triệt các nguyên tắc sáng tác hiện thực XHCN và chưa nắm rõ tính chất sâu xa trong những chủ trương của Đảng. Đứng từ góc độ loại hình, có thể nói, các nhà văn này đã xử lý chưa đúng mối tương quan giữa “chất sử thi” và “chất tiểu thuyết” trong nền văn học sử thi. Theo Bakhtin, sử thi và tiểu thuyết là hai tính chất trái ngược nhau, khó có thể chung sống trong một thể loại. Mảnh đất thích hợp nhất của “chất tiểu thuyết” là ở thể loại tiểu thuyết, còn mảnh đất thích hợp nhất của “chất sử thi” là ở trong anh hùng ca cổ điển. Nền văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh là một nền văn học sử thi. Cảm hứng anh hùng ca có thể xâm nhập vào thể loại thơ ca một cách dễ dàng nhưng không phải lúc nào nó cũng dễ dàng xâm nhập vào thể loại tiểu thuyết (vốn là nơi trú ngụ kẻ thù của “chất sử thi”). Các nhà văn Việt Nam đã nhiều năm mò mẫn học hỏi, thử nghiệm sáng tác thể loại tiểu thuyết sử thi cùng với nguyên tắc của phương pháp hiện thực XHCN. Từ đầu thập niên 1960 trở đi, tiểu thuyết sử thi được mùa, các nhà nghiên cứu đã mạnh dạn sử dụng thuật ngữ sử thi, anh hùng ca khi nhắc đến các tác phẩm dài hơi như: Sống mãi với thủ đô, Cửa biển, Vỡ bờ… Năm 1972, trong một bài đăng trên tạp chí Văn học, nhà nghiên cứu N. I. Niculin ghi nhận: “Chúng tôi rất phấn khởi trước những thành tựu của các nhà văn Việt Nam đã nắm vững một thể loại vô cùng phức tạp như tiểu thuyết sử thi. Thể loại này được tạo ra bởi quy mô rộng lớn của những biến động xã hội vốn tiêu biểu đối với lịch sử Việt Nam vào mấy chục năm gần đây” [189].

Qua đó, ta thấy rằng, trong nền văn học sử thi, việc viết tiểu thuyết không phải là dễ dàng. “Một quyển tiểu thuyết là cả một đời người” (Nguyễn Văn Bổng), công lao thai nghén lâu dài, mang nặng đẻ đau, nhưng khi hoàn thành chưa chắc đã được Đảng cho in. Nếu được in thì tác giả không khỏi lo ngại cho số phận đứa con tinh thần của mình trước cặp mắt soi mói của giới phê bình Macxist. Nhiều người bị “chụp mũ” một lần là “cạch” đến già không dám viết nữa. Những người khác phải lo sửa đổi cách viết nhưng không hợp với tạng của mình nên chỉ cho ra đời những tác phẩm kém chất lượng. Nhiều tác phẩm có giá trị nhưng bị lờ đi, không chê cũng không khen, do nội dung vi phạm vài điều cấm kỵ nhỏ, hoặc do tác giả bị người khác đố kỵ, ganh ghét tài năng… Khi sáng tác, nhà tiểu thuyết chân chính không khỏi không tính đến những thế lực vô hình hay hữu hình như thế. Những khuôn phép cứng nhắc của phương pháp sáng tác hiện thực XHCN đã tạo ra những cái gọi là “cái khung sử thi” hay “áp lực sử thi” buộc tất cả các nhà văn phải răm rắp tuân theo. Từ đó hình thành nên đội ngũ “nhà văn mặc đồng phục”. Lẽ ra đó là một điều rất tối kỵ trong sáng tác văn học.

Mặc dù việc sáng tác tiểu thuyết trong thời điểm 1945 – 1975 có nhiều vấn đề khó khăn như đã nêu trên, nhưng ý thức viết tiểu thuyết vẫn được nung nấu trong lòng các nhà văn và cũng được nhắc đến trong nhiều cuộc thảo luận. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc năm 1949, nhiều nhà văn cũng bàn luận chủ trương của Nguyễn Tuân về việc bỏ thể loại tùy bút để viết tiểu thuyết. Lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, cũng đồng thời là chủ tọa cuộc họp. Lý lẽ của ông như sau: “Người viết tiểu thuyết có điều kiện khách quan hơn”, “Muốn chữa cái chủ quan chỉ có cách là không viết tùy bút nữa mà viết tiểu thuyết (...). Tôi có ý kiến là chúng ta ghi chép tài liệu đã nhiều. Bây giờ là thời kỳ viết tiểu thuyết, đừng viết tùy bút nữa. Viết tiểu thuyết nhiều chúng ta thấy ngại. Chính tôi đây cũng rụt rè chưa dám viết. Người thì cho là chưa đủ sức viết, nhiều người cho đã viết thì phải toàn vẹn, phải hay. Có lẽ vì chúng ta hoặc đặt mình quá cao, hoặc lại quá tự miệt mình. Theo ý tôi cứ nên viết tiểu thuyết đi cho con người nói lên được. Sáng tác, phụng sự, ta cứ làm” (Văn nghệ, số tranh luận, tháng 12 - 1949). Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng từng “Cam kết trong một năm, kể từ ngày bế mạc hội nghị sẽ viết xong một quyển tiểu thuyết dài từ 200 trang trở lên”(Văn nghệ, số 5, tháng 9 - 1948). Các dịp họp mặt thường có giao ước thi đua viết tiểu thuyết. Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Nguyên Hồng làm giao kèo về “thi đua ái quốc” có nội dung như sau: “Chúng tôi tình nguyện là trong thời hạn là sáu tháng (kể từ ngày 1 tháng 9 năm 48 đến ngày 29 tháng 2 năm 49) mỗi người phải sáng tác một văn phẩm dài (từ 200 đến 300 trang). Đây là một cuộc thi đua tự ý chúng tôi đặt ra với nhau, chúng tôi sẽ đem danh dự ra cố làm trọn vẹn trong thời hạn đó để góp vào sức gắng gỏi chung của dân tộc”[245, tr. 137]. Báo Văn nghệ số 10 - 1949, mục Tin Văn hóa có trích đăng bức thư của Anh Thơ: “Nhân dịp thi đua sáng tác, tôi và chị Thanh Thủy ở Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có thách nhau trong một năm từ tháng 12 - 1948 đến tháng 12 - 1949 sẽ viết xong mỗi người một cuốn tiểu thuyết dài về phụ nữ”.

Rất nhiều nhà văn Việt Nam thời chiến tranh luôn ôm ấp ý định viết tiểu thuyết. Nam Cao ao ước viết tiểu thuyết về những người du kích hậu phương. Trần Đăng dự định viết những cuốn tiểu thuyết trường giang một nghìn trang giấy về những ngày kháng chiến ở thủ đô với hình ảnh kỳ vĩ của những đoàn kỵ binh và sĩ quan kiếm dài cùng những cỗ đại bác to lù lù ở ngoại thành [181, tr. 163]. Còn nhà văn Tô Hoài kể lại rằng, “Nguyễn Huy Tưởng ao ước đến một phút giây cảm thông thiêng liêng đến thế nào đó, xuất hiện những tác giả dựng lên được cuộc trường kỳ kháng chiến từ nam chí bắc thành những bộ, những pho sử thi biên niên hết sức hấp dẫn, trong đó mỗi vùng đất nước, mỗi dân tộc anh em, mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, mỗi chiến sĩ, mỗi vị tướng cầm quân, tất cả trở thành một tập thể nhân vật anh hùng, tính cách con người mỗi khác nhau mà lại giống nhau, tiêu biểu cho con người Việt Nam tuyệt đẹp trước thế giới” [82]. Nguyễn Huy Tưởng thường nói, cuộc chiến tranh của dân tộc ta “Vĩ đại quá, làm thế nào cho xứng được”. Trong nhật ký hành quân, ông viết: “Đêm nằm trằn trọc: lo còn bao nhiêu tác phẩm. Mà mình đã già rồi. Những tác phẩm đồ sộ… Dày như Chiến tranh và hòa bình”. Ông thấy cần phải noi gương Tolstoi để làm nên một Chiến tranh và hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Hòa bình lập lại, ý thức viết tiểu thuyết vẫn luôn ám ảnh trong lòng các nhà văn. Có thể thấy điều đó qua các cuốn sách nói về kinh nghiệm viết văn như: Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (Tô Hoài) (1959), Viết tiểu thuyết (Nguyễn Công Hoan, Võ Huy Tâm) (1960), Đọc một số truyện gần đây (Vũ Tú Nam) (1961), Bước đường viết văn (Nguyên Hồng) (1969), và hàng loạt bài viết khác trên các báo…

Rất nhiều nhà văn giải phóng miền Nam cũng khao khát viết nên một thiên anh hùng ca để nói lên hết được tầm vóc cuộc chiến tranh 1945 – 1975. Nhà văn Anh Đức thuật lại lời một đồng nghiệp của ông ở Nam Bộ vào cuối năm 1962 rằng: “Qua trận này, văn học mình phải có một vài cuốn cỡ Chiến tranh và hòa bình mới xứng… Nói thiệt, cuộc sống chiến đấu của mình đủ sức cung cấp chất liệu làm ăn lớn mà !” [48]. Nhiều nhà văn thực hiện ước mơ đó bằng việc xông xáo đi khắp nơi để lấy tư liệu, ghi chép tỉ mỉ trong nhiều cuốn sổ, lại còn lo bảo mật tư liệu… Để viết được Ở xã Trung Nghĩa, Nguyễn Thi phải lặn lội đi Bến Tre dài ngày, chấp nhận gian khổ hy sinh. Rồi lại xuống Cà Mau gặp đủ hạng người để lấy thêm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết dài hơi của mình. Vẫn thấy chưa đủ, Nguyễn Thi lại tự nguyện làm một người lính thực thụ. Ông năn nỉ người chỉ huy một đơn vị quân giải phóng tiến đánh Sài Gòn xuân Mậu Thân (đợt II): “Tôi cần phải viết tác phẩm dài hơi về cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta, trong tác phẩm ấy, sự kiện chiến dịch Mậu Thân là một trọng điểm. Anh không cho tôi đi, làm sao tôi biết để tôi viết” [187, tr. 333]. Trước nguyện vọng thiết tha như vậy, người chỉ huy đành để Nguyễn Thi đi theo và nhà văn đã vĩnh viễn ngã xuống khi bao nhiêu cuốn tiểu thuyết trong đầu vẫn còn ở giai đoạn thai nghén. Nhiều nhà văn khác trong chiến tranh cũng không ngừng nuôi dưỡng những trang tiểu thuyết dự kiến, nhưng chưa có điều kiện viết lách và công bố được. Mãi đến sau khi giải phóng, họ mới tạo ra cuộc bùng nổ về tiểu thuyết. Nhà văn Thanh Quế nói: “Phải tiếp tục viết. Viết cho hay, cho mới, viết để đền đáp công ơn của Đảng và nhân dân nuôi nấng dạy dỗ mình, viết tiếp những trang còn dang dở mà bạn bè mình để lại vì phải ngã xuống”. Còn Nguyễn Chí Trung cũng tự nhắn nhủ lòng mình cũng đồng thời nhắc nhở đồng nghiệp viết tiểu thuyết: “Gắng nhé ! Bởi trong sự phát triển của mình, mỗi dân tộc đều khát, đều đòi “một quyển thánh thư” soi rọi những giá trị trường tồn của dân tộc”.



CHƯƠNG II: TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 – 1954

I. Bối cảnh văn hóa nghệ thuật

Năm 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Hầu hết các văn nghệ sĩ hân hoan chào đón sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong chính phủ liên hiệp nhiều Đảng phái lúc đó, người ta thấy có mặt nhiều nhà văn nổi tiếng như Nhất Linh (bộ trưởng Ngoại giao), Cù Huy Cận (bộ trưởng Canh nông), Đặng Thai Mai (bộ trưởng Giáo dục), Hoàng Đạo (thứ trưởng bộ Kinh tế)… Tình hình chính trị lúc bấy giờ rất phức tạp do sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và đằng sau đó là các cường quốc đang có tham vọng gây ảnh hưởng lên Nhà nước non trẻ này. Hồ Chủ tịch ký Hiệp định sơ bộ 6 – 3 – 1946 cho phép quân Pháp được quay trở lại miền Bắc để thay thế quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch rút quân về nước, các đảng phái quốc gia Việt Nam suy yếu. Trong đó có Quốc dân đảng mà thành phần chủ chốt là các nhà văn nổi tiếng như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng… Điều đó lý giải vì sao trên văn đàn miền Bắc, nhất là sau 1954, thiếu vắng những cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn - một tổ chức văn học từng phát triển rất mạnh và có công lớn trong việc phát triển nền văn xuôi hiện đại nước nhà.

Sự phức tạp về chính trị cũng phản ánh phần nào sự phức tạp về tư tưởng văn nghệ. Cuối năm 1945 và trong năm 1946 tại Hà Nội diễn ra nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà lý luận Marxist với nhóm Trotskis, chủ yếu xoay quanh bản Đề cương văn hóa của Đảng cộng sản đã công bố từ năm 1943. Trong đó có vấn đề tự do sáng tác, tính Đảng cộng sản trong văn nghệ, phương pháp “tả thực xã hội chủ nghĩa”. Báo Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam đã đăng nhiều bài quảng bá cho tư tưởng Marxist của Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng… Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra ngày 24 – 11 – 1946 tại Hà Nội. Hội nghị có nhiệm vụ tập hợp các văn nghệ sĩ thành một tổ chức chung. Không bao lâu sau, toàn quốc kháng chiến, đa số các văn nghệ sĩ đã từ biệt thủ đô lên đường tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trong những năm chiến tranh, các văn nghệ sĩ phải đối diện với một cuộc sống hoàn toàn khác với trước đây ở thủ đô hoa lệ và êm ấm. Họ phải đối phó thường xuyên với bom đạn, chết chóc và tham gia nhiều cuộc hành quân gian khổ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, các cây bút cũng bắt đầu làm quen với lao động tay chân và điều chỉnh lại lối sống của mình. Đây là những thử thách lớn đối với những nhà văn vốn xuất thân từ tầng lớp trí thức tiểu tư sản thành thị hoặc trong gia đình khá giả ở nông thôn. Họ phải vất vả tìm tòi, xác định những giá trị mới trong chế độ mới. Như việc đi tìm nhân vật chính của văn học, cách nhìn nhận đánh giá về người nông dân và người lính, mối quan hệ giữa nhà văn và quần chúng. Cách diễn đạt cũ và hiện thực mới, cách điều chỉnh độ sáng tối trong bức tranh hiện thực, vấn đề kết hợp những giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, hướng giải quyết các xung đột xã hội, tính điển hình trong văn học, mối tương quan giữa tính dân tộc, tính nhân dân với tính giai cấp và tính Đảng cộng sản… Ngoài ra, với tư cách là một công dân, các văn sĩ không thể không chú ý đến mối quan hệ giữa văn chương và thời cuộc, xác định lập trường chính trị của cuộc kháng chiến và tương lai dân tộc. Có thể thấy rõ những băn khoăn này trong bài viết “Nhận đường” (1947) của Nguyễn Đình Thi. Sau này Chế Lan Viên cũng nói về cái buổi đầu đáng nhớ ấy như sau: “Cách mạng làm tôi vui nhưng cũng làm tôi lo lắng. Tôi có còn được tự do? Văn học cách mạng có phải là văn học ?” (Văn nghệ, 18 - 9 - 1976) [137, T1, tr. 41]. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx đã tập hợp được nhiều trí thức văn nghệ sĩ và dần dần hướng họ vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản.

Về mặt tổ chức văn học, từ 1947 đến 1954, tại Việt Bắc diễn ra các hoạt động sau:

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7 - 1948), gồm nhiều chuyên ngành: Khoa học, giáo dục, văn học nghệ thuật. Bầu ra Hội trưởng Đặng Thai Mai, Tổng thư ký Hoài Thanh. Trường Chinh có đến dự và đọc luận văn Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh một lần nữa lập trường Marxist mà văn nghệ sĩ cần phải có. Ông đề ra tính chất của nền nghệ thuật mới là: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng (sau này các văn nghệ sĩ thảo luận để ứng dụng vào trong lĩnh vực nghệ thuật là: Dân tộc – Hiện thực – Nhân dân).

Hội nghị Văn nghệ toàn quốc (7 - 1948). Bầu ra ban chấp hành gồm: Tổng thư ký: Nguyễn Tuân, Phó Tổng thư ký: Tố Hữu. Tiếp theo là sự ra đời của báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam) và NXB Văn nghệ. Đại đa số các tác phẩm văn học thời chống Pháp đều in ở NXB này. Từ đây, các văn nghệ sĩ Việt Nam mới có một tổ chức chuyên môn chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong sáng tác văn học. Đây không chỉ là một tổ chức nghề nghiệp thông thường mà còn là một tổ chức chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, tổ chức của các văn nghệ sĩ nằm trực thuộc bộ máy hành chính của Nhà nước và chịu sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Hội nghị Văn nghệ bộ đội (4 - 1949), chủ tọa: tướng Văn Tiến Dũng (Cục trưởng chính trị). Chủ tịch đoàn: Trần Độ (Trưởng phòng Tuyên truyền Cục chính trị quân đội, kiêm Chủ nhiệm báo Vệ Quốc quân) và hai nhà thơ quân đội là Thâm Tâm, Chính Hữu. Mục đích là phát động phong trào sáng tác trong quân đội, để “trong bộ đội sẽ mọc lên những Êhrenbourg, những Simônôp, bốc cao ngọn triều Tổng phản công và làm rõ cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc”. Nguyễn Đình Thi thuyết trình về Hiện thực xã hội chủ nghĩa, một thuật ngữ còn khá lạ với nhiều người. Tân Sắc thuyết trình bài Điển hình bộ đội, Đào Phan thuyết trình về Điển hình dân quân, đây là những vấn đề được giới cầm bút rất quan tâm. Nguyễn Tuân nói chuyện về tiểu thuyết và động viên anh em văn nghệ bộ đội nên mạnh dạn viết tiểu thuyết. Hội nghị văn nghệ bộ đội đã mở đầu phong trào văn nghệ sĩ tòng quân, bổ sung thêm lực lượng nhà văn quân đội.

Hội nghị tranh luận Văn nghệ Việt Bắc (9 - 1949). Chủ trì hội nghị (ngành văn học): Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Ngô Tất Tố. Tố Hữu thuyết trình bài “Xây dựng nền văn nghệ nhân dân” (Văn nghệ dân chủ mới). Hội nghị thảo luận những vấn đề còn vướng mắc về các chủ trương: Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt, phương pháp hiện thực XHCN, quan điểm phê bình văn học. Nhiều nhà văn tự kiểm điểm bản thân, phê bình và tự phê bình, phủ nhận con người cũ, sáng tác cũ… Qua các cuộc hội nghị, các nhà văn được cải tạo tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ để yên tâm làm công tác văn nghệ trong tình hình mới.

Hội nghị Văn hóa, văn nghệ Việt Bắc (từ 26 - 7 đến 7 - 8 - 1950), Chủ tịch đoàn: Trần Huy Liệu, Hải Triều, Trương Tửu. Có cụ Phan Khôi đến dự. Hoài Thanh báo cáo tình hình văn hóa hai năm qua, các đại biểu thảo luận về việc thực hiện phương châm xây dựng nền văn nghệ nhân dân và phân công lĩnh vực, địa bàn thực tế sáng tác.

Năm 1950, biên giới phía Bắc được khai thông, sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước XHCN diễn ra thuận lợi. Các tác phẩm văn nghệ Liên Xô, Trung Quốc tràn vào và có tác dụng định hướng sáng tác cho các văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam. Năm 1951, có một sự kiện lớn đối với dân tộc là Đảng cộng sản tuyên bố ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng lao động Việt Nam. Từ đây, các văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến được chính thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và lấy phương pháp hiện thực XHCN làm công thức để sáng tác. Bắt đầu từ đây, trên văn đàn mới xuất hiện những tác phẩm dài hơi. Trên báo Văn nghệ có một số bài phê bình về tiểu thuyết Con trâu (số 43 - 1953), Trận Thanh Hương (44 - 1953), Vùng mỏ (52 - 1954). Các bài viết trên đã góp phần định hướng sáng tác tiểu thuyết… Năm 1953, các nhà văn còn tham gia tập huấn phát động giảm tô và cải cách ruộng đất lần thứ nhất. Sự kiện này về sau được phản ánh trong nhiều cuốn tiểu thuyết. Năm 1954, nhiều nhà văn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và viết được những tác phẩm hay về đề tài này.

Đội ngũ sáng tác văn xuôi thời kháng chiến chống Pháp khá đa dạng và phát triển thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, nhất là bộ đội. Trước hết phải kể đến các nhà văn tiền chiến. Nguyễn Tuân tuyên bố dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ để trở thành một con người mới của thời đại cách mạng. Trong bài Lột xác, ông nói: “Đào thải, chưa đủ, phải tàn sát”, “Giết, giết hết. Thò đứa nào ở dĩ vãng hiện về đòi hỏi bất cứ một tí gì của mày bây giờ là mày phải giết ngay”. Nguyễn Tuân là người nhập cuộc nhanh nhất, ông hăng hái theo bộ đội trên khắp các nẻo “đường vui”. Từ năm 1948, Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam và giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Nguyễn Công Hoan tham gia cuộc kháng chiến trên nhiều cương vị: Giám đốc Sở kiểm duyệt báo chí Hà Nội, Phó giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ, Giám đốc trường Văn hóa Quân nhân trung cấp, biên tập báo Vệ quốc quân, chủ nhiệm báo Quân nhân học báo… Tô Hoài làm báo Cứu Quốc, công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ. Ông đi nhiều chiến dịch, năm 1952, theo bộ đội chủ lực tiến vào Tây Bắc rồi nhận nơi đây làm quê hương thứ hai và sau đó viết khá nhiều tác phẩm về vùng đất này. Nguyên Hồng đã đến với cách mạng từ trước 1945, nay vẫn tiếp tục hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc và làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ. Nam Cao cũng nhanh chóng gia nhập phong trào cách mạng và cũng như Trần Đăng đã hy sinh quá sớm trong lúc đang sáng tác sung sức, hứa hẹn sẽ còn đóng góp cho dân tộc nhiều tiểu thuyết có giá trị. Nguyễn Huy Tưởng từng là Phó Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (năm 1946), là thành viên thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông theo đơn vị pháo binh đi nhiều chiến dịch và tham gia phát động phong trào giảm tô, cải cách ruộng đất lần thứ nhất. Ngô Tất Tố cũng hoạt động văn nghệ tại chiến khu Việt Bắc, tham gia phụ trách văn nghệ liên khu Một. Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số nhà văn đã được biết đến từ trước 1945 như: Thế Lữ, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Kim Lân, Mạnh Phứ Tư, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Bằng…

Thế hệ tiếp theo là những nhà văn trưởng thành trong cuộc chiến tranh lần thứ Nhất. Phần lớn là những nhà văn – chiến sĩ, xuất thân từ quân đội hoặc là các văn nghệ sĩ đầu quân. Đầu tiên, phải kể đến Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Ông làm Chính trị viên phó tiểu đoàn, tham dự nhiều chiến dịch lớn như: Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Hai nhà văn quân đội Hữu Mai và Hồ Phương cùng phụ trách báo “Quân tiên phong” của đại đoàn 308. Hồ Phương là Chính trị viên đại đội chiến đấu, cùng với Hữu Mai có mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trần Dần phụ trách văn công ở trung đoàn Sơn La, biên tập tờ Tin Sông Đà của bộ đội Tây Bắc và trực tiếp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ… Dân Hồng từng là chiến sĩ trung đoàn Tây Tiến. Mạc Phi theo bộ đội lên Tây Bắc năm 1953 và gắn bó lâu dài với vùng đất này. Ngô Ngọc Bội từng là cán bộ thông tin tuyên truyền ở Phú Thọ. Đội ngũ sáng tác văn xuôi ở Việt Bắc có Nông Minh Châu, dân tộc Tày, cán bộ văn hóa ở Bắc Cạn. Xuân Cang làm ở ngành quân giới Việt Bắc. Nguyễn Dậu là sĩ quan quân đội, công tác ở phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị. Hà Minh Tuân từng phụ trách Đoàn thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, Tiểu đoàn trưởng Vệ quốc đoàn, Chính uỷ trung đoàn 209, tham gia các chiến dịch: Việt Bắc, Trung du, Điện Biên Phủ. Đào Vũ là sĩ quan bộ đội biên phòng hoạt động ở biên giới phía Bắc, làm cán bộ Văn nghệ trung ương rồi tham gia công tác cải cách ruộng đất. Võ Huy Tâm xuất thân từ công nhân, làm cán bộ công đoàn, được Đảng cộng sản cử đi gây dựng phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Hồng Gai…

Đội ngũ nhà văn ở liên khu Ba khá hùng hậu. Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc liên khu Ba thời kỳ đầu là nhà văn Hoàng Công Khanh. Phụ trách báo Cứu quốc liên khu Ba có Chu Văn, Bùi Huy Phồn… Chu Văn làm công tác tuyên huấn địch vận, bám sát vùng công giáo từ kháng chiến chống Pháp đến hòa bình. Nguyễn Địch Dũng làm công tác tuyên truyền ở Bắc Ninh. Vũ Bão làm cán bộ Khu đoàn thanh niên liên khu Ba. Sao Mai công tác ở Chi hội Văn nghệ liên khu Ba. Các nhà văn – chiến sĩ ở khu Ba có Phù Thăng làm Trung đội trưởng trinh sát vùng địch hậu ở đồng bằng sông Hồng, sau khi bị thương, chuyển sang viết văn. Dũng Hà từng là sĩ quan đặc công ở Thái Bình. Nguyễn Khải gia nhập bộ đội ở Hưng Yên, rồi sau đó làm ở tòa soạn báo Chiến sĩ quân khu Ba cùng chỗ với Mai Ngữ. Ngoài ra, đội ngũ các nhà văn - chiến sĩ ở miền Bắc thời chống Pháp còn có: Đỗ Quang Tiến, Lê Khánh, Tạ Hữu Thiện, Lê Phương… Đó là chưa kể đến đội ngũ khá đông đảo các nhà văn chuyên viết truyện ngắn, viết kịch, làm thơ…

Ở miền Trung, điều kiện sáng tác có phần khó khăn hơn, chiến trường phân cách, giao lưu giữa các vùng khó khăn, thiếu thông tin, lực lượng phân tán. Những cây bút văn xuôi từ trước 1945 chiếm số lượng không đông đảo như ở miền Bắc, chủ yếu là những cây bút mới xuất hiện trong chiến tranh. Nhà văn Thanh Tịnh nhiệt tình tham gia cách mạng và giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ. Hồng Chương, Lưu Trọng Lư, Bùi Hiển, Nguyễn Thế Phương… có mặt ở khu Bốn trong vai trò cán bộ văn hóa tuyên truyền. Hoàng Trung Nho làm công tác văn nghệ, có thời gian tham gia cải cách ruộng đất ở liên khu Bốn. Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ làm cán bộ tuyên huấn và làm báo đại đoàn 304 (liên khu Bốn). Hai anh em Vũ Cao và Vũ Tú Nam cũng từng làm báo Chiến sĩ khu Bốn, sau đó chuyển sang làm biên tập ở tờ Quân đội nhân dân. Nguyễn Khắc Thứ, Lê Chưởng là cán bộ quân đội hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Huy Phương nằm trong đội tự vệ thành phố Huế, sau chuyển sang Vụ quân giới khu Bốn rồi Hội Văn nghệ liên khu Bốn. Phùng Quán gia nhập bộ đội trinh sát ở Thừa Thiên rồi làm hậu cần ở đoàn văn công liên khu Bốn. Sau này, làm phóng viên đưa tin về sự kiện trao trả tù binh, tìm hiểu về cuộc sống của tù nhân Côn Đảo. Phan Tứ, Văn Linh là những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Thời kỳ gian khổ này có ý nghĩa rất quan trọng, tích lũy vốn sống phong phú để sau này họ viết nên nhiều tác phẩm hay về nước bạn. Nguyễn Văn Bổng làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở Quảng Nam – Đà Nẵng, là Chi hội phó Chi hội văn nghệ liên khu Năm. Nguyên Ngọc làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu Năm, thường hoạt động trên địa bàn Tây Nguyên. Thu Bồn lúc bấy giờ còn trẻ, mới vừa từ giã sách vở để tham gia bộ đội và đã bắt đầu viết báo…

Ở vùng kháng chiến miền Nam, hầu như không có những nhà văn quen thuộc trước 1945 nên đội ngũ sáng tác chủ yếu thuộc về các cây bút trẻ mới xuất hiện trong chiến tranh. Nguyễn Văn Nguyễn trước đây được biết đến với tư cách nhà báo, nhà lý luận văn nghệ hơn là nhà văn. Trong thời gian làm Giám đốc Sở thông tin Nam Bộ và chủ bút báo Cứu quốc Nam Bộ, ông có viết một số truyện. Lưu Quý Kỳ, Hà Mậu Nhai cũng giữ vai trò quản lý văn nghệ hơn là sáng tác. Lực lượng viết văn lúc bấy giờ trước hết phải kể đến Sơn Nam (Phạm Anh Tài). Ông là cán bộ chính trị tỉnh Rạch Giá, sau này làm ở phòng văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn xứ ủy Nam Bộ. Đoàn Giỏi giữ chức Phó trưởng ty thông tin Rạch Giá. Hoàng Văn Bổn là giáo viên văn hóa ở Đồng Nai rồi gia nhập quân đội. Nguyễn Quang Sáng làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo của Phòng chính trị phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Phạm Hữu Tùng (Tòng) công tác ở phân hội Văn nghệ sở Thông tin Nam Bộ. Vân An (Trần Văn An) từng làm chiến sĩ quân báo rồi làm Phó ty thông tin Tây Ninh. Minh Lộc công tác trong bộ đội khu Tám. Trần Kim Trắc công tác trong tiểu đoàn 307. Những cây bút sáng tác văn xuôi thường xuyên còn có: Việt Ánh, Nguyễn Hải Trừng… Lúc bấy giờ, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) làm công tác tuyên huấn rồi làm đội trưởng văn công sư đoàn 330 miền Đông Nam Bộ, chỉ làm thơ, chưa viết văn. Bùi Đức Ái (Anh Đức) còn là cậu thiếu niên giúp việc cho tạp chí Lá Lúa và Văn nghệ miền Nam của Chi hội văn nghệ Nam Bộ kháng chiến, đã có những truyện ngắn đầu tay. Còn Đinh Quang Nhã cũng còn là một cậu thiếu niên giúp việc ở ty thông tin Bạc Liêu và đã bắt đầu tập viết…

Cuộc kháng chiến 9 năm như một chuyến thực tế dài ngày để rồi trên cơ sở đó, các nhà văn sẽ viết nên những cuốn tiểu thuyết trong thời bình. Để hiểu sâu sắc hơn giá trị của những cuốn sách này, ta không thể không chú ý đến quá trình thai nghén của tác giả thời chiến tranh 1945 - 1954.

Nói đến lịch sử văn học giai đoạn này, không thể không nhắc đến các giải thưởng thưởng văn nghệ vì thông qua các tác phẩm đoạt giải, người ta có thể thấy được phần nào diện mạo của nền văn học. Giải thưởng lớn nhất trong thời kỳ này là giải thưởng Văn nghệ Việt Nam được tổ chức ở Việt Bắc, trao cho các chuyên ngành: thơ, truyện và ký sự, kịch, dịch thuật. Ngoài ra, ở miền Trung và miền Nam cũng có những cuộc thi văn nghệ cho khu vực mình. Về văn xuôi, có các tác phẩm sau đây đoạt giải các cuộc thi:

Giải thưởng Văn nghệ 1951 – 1952 :

Giải Nhất : Vùng mỏ (tiểu thuyết của Võ Huy Tâm),

Giải Nhì: Trận Thanh Hương (ký sự của Nguyễn Khắc Thứ), Xung kích ( tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi),

Giải Ba: Con đường sống (truyện ngắn của Minh Lộc), Chiến thắng Cao Lạng (ký sự của Nguyễn Huy Tưởng)

Giải khuyến khích: Đánh trận giặc lúa (truyện ngắn của Bùi Hiển), Xây dựng (truyện của Nguyễn Khải), Ông Cốc (truyện của Nguyễn Khắc Mẫn)

Giải thưởng Văn học 1954 – 1955 :

Giải Nhất: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết của Nguyên Ngọc), Truyện Tây Bắc (tập truyện của Tô Hoài).

Giải Nhì: Truyện anh Lục (truyện của Nguyễn Huy Tưởng), Con trâu (tiểu thuyết của Nguyễn Văn Bổng),

Giải Ba: Cái lu (truyện ngắn của Trần Kim Trắc), Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết của Phùng Quán)

Giải khuyến khích: Đồng quê hoa nở (truyện của Hoàng Trung Nho), Gặp gỡ (truyện ngắn của Bùi Hiển), Cá bống mú (tiểu thuyết của Đoàn Giỏi)

(Giải thưởng được công bố vào đầu năm 1956 nên có tính cả một số tác phẩm sáng tác sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một số truyện còn là bản thảo chưa in ấn)

Giải thưởng văn học Lê Thanh Nghị (liên khu III) (1951) trao giải cho truyện Xây dựng của Nguyễn Khải

Giải thưởng Văn nghệ liên khu Bốn: tặng giải Nhất cho truyện Bên đường 12 (1950) của Vũ Tú Nam.

Giải thưởng Phạm Văn Đồng (Liên khu V) (1952): trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng.

Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long ( 1949 – 1950 ):

Giải nhất: Con đường sống và Anh Tư dân quân (các truyện ngắn của Minh Lộc)

Giải nhì: không có

Giải Ba: Lòng dân (tập truyện ngắn của Phạm Hữu Tùng)

Giải khuyến khích: Những tập truyện của Phạm Anh Tài, Hoàng Linh, Linh Ngã

Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (1951 – 1952):

Giải Nhất: Bên rừng Cù Lao Dung (truyện của Phạm Anh Tài)

Giải Ba: Biển động (tập truyện ngắn của Bùi Đức Ái)

Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (1952 – 1953)

Giải Nhất: Vỡ đất ( truyện của Hoàng Văn Bổn )

Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (1953 – 1954)

Giải Nhì: Tây đầu đỏ (ký sự của Phạm Anh Tài)

Điều đáng lưu ý là các tiểu thuyết và truyện vừa đều đoạt giải cao trong các cuộc thi. Chứng tỏ là Ban Giám khảo và giới lãnh đạo văn nghệ đánh giá cao sự có mặt của thể loại truyện dài.

II. Tình hình sáng tác truyện

Về tác phẩm văn học, có một điểm đáng chú ý là giai đoạn 1945 – 1954 không có những tác phẩm dài. Trong hai năm 1945 – 1946 tại Hà Nội, đời sống người dân còn khó khăn do vừa trải qua nạn đói năm Ất Dậu. Tình hình chính trị chưa ổn định. Quan điểm văn nghệ vẫn còn theo quán tính cũ, cái mới chưa định hình. Trong bài Tình hình văn học Việt Nam sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đăng trên báo Tiên Phong số 8 – 1946, Đặng Thai Mai nhận xét: “Văn đàn tiểu thuyết hai năm nay vắng vẻ quá. Những khuynh hướng tràng giang đại hải đã đứng ngừng lại. (Chẳng biết độ bao lâu đây ?). Những tập trong ngoài ba trăm trang hình như cũng hiếm. Nghe đâu vào hạng “mập” thì cũng chỉ có Khao của Đồ Phồn và Nguyễn của Nguyễn Tuân mà thôi. Nhưng hai quyển này đều là những tác phẩm viết trước cuộc Khởi nghĩa khá lâu”. Trong năm 1946, ở miền Bắc xuất hiện một số truyện vừa mang âm hưởng lãng mạn như Chùa đàn của Nguyễn Tuân (NXB Quốc văn, H. 1946, 83 trang), Cánh đồng lương tâm của Lê Văn Trương (NXB Lê Văn Trương, H. 1946, 93 trang), Những kẻ sống sót của Kỳ Văn Nguyên (NXB Tiến Hóa, H. 1946, 103 trang), Màn kịch cuối cùng của Nguyễn Anh Chung (NXB Ngàn Hống, Vinh, 1946, 66 trang)… Có lẽ cuốn tiểu thuyết đầu tiên sau 1945 có tư tưởng cách mạng rõ nét nhất là Cô gái Bình Xuyên của Hồ Dzếnh (NXB Tiếng Phương Đông, 1946, 111 trang). Nhân vật chính là cô Hai Kim Đính lãnh đạo một nhóm quân Bình Xuyên đánh Pháp. Khi Tăng mới từ Bắc vào Sài Gòn, cô đem lòng yêu dấu anh và họ sống như vợ chồng. Sau Cách mạng tháng Tám, đảng cướp Bình Xuyên của Ba Dương tuyên bố gia nhập Công an cục Nam Bộ, cùng kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm giống như tiểu thuyết võ hiệp tình kỳ.

(còn tiếp)

Nguồn: Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (xuất bản ở miền Bắc). Tiến sỹ Phạm Ngọc Hiền. NXB Văn học, 5-2010.
Về Đầu Trang Go down
https://ch17vhvndhv.forum-viet.com
 
Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1)
» VẬN DỤNG LÝ THUYẾT MỸ HỌC CỦA HÊGHEN ĐỂ TÌM HIỂU HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA NỀN VĂN HỌC SỬ THI VIỆT NAM 1945 - 1975
» THỬ NHẬN DIỆN TIỂU THUYẾT TỪ SAU 1945
» Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn đàn lớp mình :: Your first category :: Lớp Cao Học 17 VHVN-
Chuyển đến