Diễn đàn lớp mình
Diễn đàn lớp mình
Diễn đàn lớp mình
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn đàn lớp mình

Dành cho những ai quan tâm
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1)

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Nguyên Soái
Nguyên Soái
Admin


Tổng số bài gửi : 29
Join date : 12/01/2010
Age : 44

Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1) Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1)   Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1) I_icon_minitimeSun Oct 03, 2010 2:41 pm

Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1)
Chương I: NHỮNG CƠ SỞ CỦA SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

I. Yếu tố truyền thống

Bất cứ một trào lưu văn học nào ra đời và phát triển cũng đều dựa trên những nền tảng có sẵn trước đó. Nền văn học Việt Nam 1945 – 1975 cũng hình thành trên cơ sở nguồn mạch văn chương dân tộc suốt thời cổ trung đại. Nó tiếp nối cảm hứng anh hùng ca đã tuôn chảy từ trong truyền thuyết, sử thi cổ đại như: Lạc Long Quân, Hùng Vương, Thánh Gióng, trường ca Tây Nguyên… Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm luôn được hun đúc trong suốt thời kỳ trung đại qua các tác phẩm tiêu biểu như: Sông núi nước Nam, Hịch tướng sĩ, Thuật hoài, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo… Cảm hứng lịch sử dân tộc được tiếp nối với Hoàng Lê nhất thống chí. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam lấy đối tượng phản ánh là hiện thực lịch sử diễn ra trước mắt tác giả. Tinh thần này cũng được thể hiện phổ biến trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam thời chiến tranh. Văn chương Đồ Chiểu có tác dụng lớn đến các nhà văn cách mạng sau này. Không phải ngẫu nhiên mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã lập ra giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu để cổ vũ văn nghệ sĩ học tập theo tinh thần Đồ Chiểu. Đó là tư tưởng “văn dĩ tải đạo”, văn chương phải có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ cái thiện, phản ánh cái đẹp để làm gương sáng cho đời. Ngôn ngữ văn chương phải dễ hiểu, gần gũi với quần chúng và được nhân dân yêu thích.

Trong thời Pháp thuộc, truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc luôn được hun đúc qua các tiểu thuyết lịch sử như: Ngọn cờ vàng, Ngô Vương Quyền, An Tư, Nguyễn Trãi, Vua Quang Trung, Treo bức chiến bào, Gia Định tổng trấn tả quân Lê Văn Duyệt, Vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng, Cầu vồng Yên Thế, Lương Ngọc Quyến… Đặc biệt, những tác phẩm của Nguyễn Tử Siêu có tác dụng chiêu hồn nước, thổi bùng lên ý thức đấu tranh cho độc lập dân tộc. Tiêu biểu như: Hai Bà đánh giặc, Vua Bà Triệu Ẩu, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên chiến kỷ, Việt Thanh chiến sử, Tiếng sấm đêm đông… Nhiều nhà văn lớn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan… thừa nhận là có chịu ảnh hưởng của Nguyễn Tử Siêu [17]. Hình tượng người anh hùng trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng và nhiều tác phẩm lãng mạn khác cũng có tác dụng không nhỏ đến chí khí của thanh niên Việt Nam. Bởi vậy, trong nhiều tác phẩm sau 1945, ta cũng thường thấy hình ảnh các chiến binh ngang tàng, các anh hùng cá nhân mang màu sắc siêu nhân của Nietzsche. Tiểu thuyết hiện thực phê phán cũng tạo những tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiểu thuyết cách mạng sau này. Giông Tố của Vũ Trọng Phụng đã mở đường cho loại tiểu thuyết có kết cấu hoành tráng sau 1960. Nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã đạt tới đỉnh cao với Số đỏ. Sức mạnh của bút pháp tả chân còn được thể hiện thành công trong một số tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Lan Khai… Phan Cự Đệ cho rằng, “Đây là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện yêu cầu của Ăng-ghen đối với những tác phẩm hiện thực: xây dựng những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình” [41, T1, tr. 115]. Còn Hải Triều xem cuốn Lầm than của Lan Khai như là một cuốn tiểu thuyết hiện thực XHCN đầu tiên ở Việt Nam [41, T1, tr. 128].

Bộ phận văn học cách mạng đã hình thành từ trước 1945, tuy nhiên, chưa được phổ biến rộng rãi. Tác phẩm Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu được xem là cuốn tiểu thuyết cách mạng đầu tiên ở Việt Nam. Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc, thơ Tố Hữu, Huỳnh Thúc Kháng… có tác dụng định hướng tư tưởng cho một nền văn học mới. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, nhiều tác phẩm văn xuôi cách mạng được giới thiệu công khai trên văn đàn. Như phóng sự Ngục Kon Tum (Lê Văn Hiến), hồi ký Ba năm ở Nga Xô-viết (Trần Đình Long), nhật ký Tuyệt thực chín ngày rưỡi (San Hô), tiểu thuyết phóng sự Vượt ngục (Cựu Kim Sơn)… Từ năm 1943, các sáng tác của Hội Văn hóa cứu quốc cũng góp phần mở đường cho nền văn xuôi cách mạng vô sản.

Sau năm 1945, đa số nhà văn Tiền chiến vẫn tiếp tục đem tài năng tâm huyết của mình phục vụ chế độ mới. Trừ trường hợp Nam Cao và Ngô Tất Tố đã mất trong kháng chiến chống Pháp và một số nhà văn vào Nam, số còn lại ở miền Bắc vẫn tiếp tục sáng tác. Mặc dù nhiều nhà văn tuyên bố “lột xác” phủ nhận sạch trơn những thành quả nghệ thuật cũ, nhất là đối với văn học lãng mạn nhưng đó chỉ là sự đoạn tuyệt với lối sống cũ và từ bỏ quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Còn những kỹ thuật sáng tác thì không thể vứt bỏ được, vì đó là lẽ sống còn của nhà văn. Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục cảm hứng duy mỹ trên nền hiện thực mới và không từ bỏ hẳn lối hành văn phóng túng, lệch chuẩn. Nguyên Hồng vẫn còn tiếp tục nguồn cảm hứng về thân phận người dân nghèo trước Cách mạng với giọng văn giản dị, giàu cảm xúc. Tô Hoài vẫn tiếp tục dòng khảo cứu phong tục với đề tài rộng hơn trước. Nguyễn Công Hoan vẫn tiếp tục bút pháp tả chân với giọng văn trào phúng… Phần lớn những “cây đại thụ” này đều bị “uốn nắn” ít nhiều làm cho vài người phải thay đổi cách tiếp cận hiện thực. Tuy nhiên, những bút pháp nghệ thuật đã định hình từ trước 1945 vẫn được tiếp tục phát huy tạo ra những thành quả to lớn cho nền văn học cách mạng.

II. Yếu tố ngoại nhập

Do đặc điểm lịch sử chi phối, nền văn hóa Việt Nam có sự giao thoa mạnh mẽ với nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Liên Xô… Trước Cách mạng tháng Tám, văn học nước ngoài du nhập vào Việt Nam theo hai con đường chính là từ Pháp và Trung Quốc, theo cả hai hình thức công khai và bí mật. Trong những tác phẩm vào Việt Nam bằng con đường công khai, trước hết phải kể đến những tác phẩm có tư tưởng tiến bộ được đưa vào nhà trường. Nhiều học sinh Việt Nam đã tiếp nhận các tác phẩm này với tinh thần cách mạng. Nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự: “Tôi đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc, có thể đến tận máu thịt mình của văn học, hay nói cho thật chính xác hơn, của văn chương Pháp. Văn chương Pháp được học trong các trường “thực dân” thời bấy giờ. (…) chính cái nền văn chương Pháp vĩ đại được dạy trong các trường “thực dân” ấy ít nhất cũng có góp phần tạo ra cả một thế hệ thanh niên cách mạng kiên cường và trung thành ở nước ta, thế hệ chúng tôi (…) Tôi đã viết Đất nước đứng lên bằng cái văn chương ấy” [197, tr. 167 - 169].

Một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam là Những người khốn khổ. Ta có thể thấy hình ảnh những nhân vật nghèo khổ mà thánh thiện trong Cửa biển. Hình ảnh chú Lũy trong Xung kích gợi ta nhớ đến chú bé Gavroso. Và khuynh hướng lãng mạn tích cực của V. Hugo cũng ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng… Tiểu thuyết của H. Balzac cũng được phổ biến rộng rãi. Các nhà văn Việt Nam cũng học hỏi ở ông bút pháp tả chân, phơi bày thực trạng xã hội tư sản xấu xa. Ta có thể thấy tinh thần này trong những tiểu thuyết viết về đề tài trước Cách mạng tháng Tám như: Đống rác cũ, Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Cửa biển, Vỡ bờ… Tiểu thuyết Khói lửa của Henri Barbusse được coi là tác phẩm mở đầu cho văn học hiện thực XHCN ở Pháp. Nhiều tiểu thuyết Việt Nam ảnh hưởng tác phẩm này ở nghệ thuật miêu tả những tổn thất của chiến tranh (Cao điểm cuối cùng, Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng…).

Anh hùng ca Homeros đã được đưa vào nhà trường Việt Nam trước 1945. Hòa bình lập lại, Iliade, Odysseus được đưa vào chương trình Đại học rồi sau đó là Trung học, giảng dạy theo hướng minh họa cho đường lối cách mạng. Hai tác phẩm kinh điển này góp phần hình thành nền văn học sử thi ở các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Ta có thể thấy kết cấu “tam duy nhất” của Iliade trong Cao điểm cuối cùng. Xem cuộc hành trình gian khổ của các chiến sĩ trong Trước giờ nổ súng, người ta liên tưởng tới cuộc phiêu lưu của Odysseus… Trong giai đoạn 1945 – 1975 còn có nhiều nhà văn Âu Mỹ được giới thiệu ở Việt Nam như: Voltaire, Diderot, Stendhal, Maupassant, Pol Tia, J. Lafit, J. Valles, R. Rolland, Jack London… Hầu hết các nhà văn nước ngoài được giới thiệu ở miền Bắc Việt Nam là những người có tư tưởng không đối lập với hệ tư tưởng Marxist. Các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam mong muốn những tác phẩm này sẽ có lợi cho công cuộc xây dựng chế độ XHCN. Hồ Chí Minh chỉ rõ đường lối văn hóa của chính phủ là: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam” [60].

Văn học Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới văn học Việt Nam từ thời trung đại. Sang thế kỷ XX, âm hưởng của tiểu thuyết chương hồi vẫn còn phảng phất trong các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Ta có thể thấy kết cấu chương hồi trong tiểu thuyết Con trâu, Đất rừng phương Nam… tác giả chia tác phẩm thành nhiều đoạn, mỗi đoạn có một tên riêng, kết thúc đoạn ở chỗ có kịch tính. Nhiều tác phẩm cũng có giọng văn cổ kính của tiểu thuyết chương hồi, dễ nhận thấy nhất là trong Mười năm, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ… Ta cũng có thể thấy hình bóng các hảo hán Lương Sơn Bạc trong Trên mảnh đất này, Đất lửa, Bên kia biên giới, Rừng U Minh… Lối miêu tả nhân vật thông qua hành động, đề cao con người bổn phận, coi trọng thể tài lịch sử dân tộc… cũng được phát huy vì nó thích hợp với nền văn học sử thi. Năm 1951, biên giới Việt - Trung được khai thông, văn học hiện đại Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Các tác phẩm dịch thuật văn học Trung Quốc đều được ưu ái xét giải trong các cuộc thi văn nghệ. Hòa bình lập lại, văn học Trung Quốc được in ở miền Bắc với số lượng lớn, chỉ đứng sau văn học Liên Xô. Lỗ Tấn là người có tác phẩm được in nhiều nhất ở miền Bắc thời chiến tranh.

Trước đây, tác phẩm văn học Trung Quốc được dịch sang Việt Nam để đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng là chính, thì nay, mục đích quan trọng nhất là phải phục vụ cho công cuộc chiến đấu và xây dựng CNXH. Những tác phẩm cổ vũ cho công cuộc chiến đấu gồm có: Chiến sĩ và Tổ quốc, Ai là người đáng yêu nhất ? (Ngụy Nguy), Thù làng (Mã Phong), Đội du kích đường sắt (Trí Hiệp), Đội du kích Hoa Dương (Công Ngôn), Dưới ngọn cờ hồng (Lương Bân), Thượng Cam Lĩnh (Lục Trụ Quốc), Bảo vệ Diên An (Đỗ Bằng Trình), Rừng thẳm tuyết dày (Khúc Ba), Năm đêm trắng dưới hầm, Truyện hồng quân Trung Quốc. v.v… Nói về quá trình giác ngộ cách mạng có Bài ca tuổi trẻ (Dương Mạt), Lưu Hồ Lan (Lương Trinh)… Các nhà văn Việt Nam cũng học hỏi đường lối cải tạo nông nghiệp và cách thể hiện người nông dân trong các tác phẩm: Sự biến đổi ở Lý gia trang, Tam Lý Loan, Chuyện vè Lý Hữu Tài (Triệu Thụ Lý), Trời hửng sáng (Vương Lực), Mặt trời chiếu sáng trên sông Tang Càn (Đinh Linh), Buổi sáng trên sông Đà (Vương Tùng), Bản làng đổi mới (Chu Lập Ba), Được mùa (Diệp Tử), Cụ Quý vào tổ đổi công... Về cải tạo tư sản, có Thượng Hải ban mai (Chu Nhi Phục)… Viết về chủ đề xây dựng đất nước trong thời bình có Trong những ngày hòa bình (Đỗ Bằng Trình), Luyện mãi thành thép (Ngãi Vu)… Ngoài ra, còn có nhiều cuốn tiểu thuyết khác như: Đạp bằng muôn sóng biển đông (Lục Trụ Quốc), Vừng hồng (Ngô Cường), Ông giáo Chi (Diệp Thánh Đào), Xuân về trên sông Áp Lục (Lôi Gia), Gia đình (Ba Kim), Tường “lạc đà” (Lão Xá), Cô gái tóc trắng (Bạch Mao Nữ) (Tạ Tấn)… Do Việt Nam và Trung Quốc gần gũi nhau, lại giống nhau về thể chế chính trị, cho nên, vấn đề giao lưu văn hóa được diễn ra thuận lợi, tạo nên nhiều nét tương đồng về tư tưởng thẩm mỹ và bút pháp nghệ thuật.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hòa lấy chủ nghĩa Mao làm phương châm cho mọi hành động nên những quan điểm văn nghệ của Mao Trạch Đông cũng được các nhà văn học tập một cách nghiêm túc. Văn nghệ sĩ miền Bắc đều biết đến cuốn Bàn về văn học nghệ thuật của Mao Trạch Đông. Nhiều tác phẩm lý luận văn nghệ Trung Quốc cũng được dịch sang Việt Nam như: Tại sao tôi phải học tập lý luận văn nghệ. Tác dụng của văn học trong đời sống xã hội (Lý Hưng Hoa, Đường Chí), Văn nghệ nhân dân mới (Chu Dương), Phấn đấu để tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật càng nhiều càng hay hơn (Chu Dương), Phê phán tư tưởng văn nghệ duy tâm (Quách Mạt Nhược)… Ngoài ra, các nhà văn Việt Nam thời kỳ này cũng học hỏi kinh nghiệm sáng tác từ các nhà văn Trung Quốc qua các tác phẩm: Vì sao tôi viết tiểu thuyết ? (Lỗ Tấn), Nói về tiểu thuyết (Ngô Cường, Ngụy Kim Chi, Mao Thuẫn), Nói chuyện sáng tác (Khang Trạc), Những hiểu biết cơ bản về viết văn (Hà Gia Hòe), Kinh nghiệm viết văn (Triệu Thụ Lý, Ngãi Vu), Mười lá thư gửi các bạn viết văn (Cổ Thạch Như)… Các sách này không chỉ định hướng tư tưởng mà còn cung cấp các kỹ thuật sáng tác cho các nhà văn Việt Nam.

Nền văn học Nga – Xô viết đã du nhập vào Việt Nam từ trước 1945, chủ yếu bằng con đường gián tiếp qua nước Pháp. Những ấn phẩm của NXB E.S.I (của Đảng cộng sản Pháp) và các sách báo bằng tiếng Pháp đã giúp bạn đọc Việt Nam hiểu thêm về một nền văn học vô sản mới lạ. Phải đến thời kỳ Mặt trận dân chủ thì các tác phẩm văn học Nga - Xô viết mới có điều kiện phổ biến ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho biết: “M.Gor-ki, A.Tôn-xtôi, Pha-đê-ép, V.Kat-sep, Glat-kốp, Phuôc-ma-nốp, Xê-ra-phi-mô-vich… hình như đó là tất cả những nhà văn Xô viết mà tôi đã được đọc hồi ấy… tất cả rồi đấy! Và trong sự nghiệp văn chương của các tác giả lớn trên đây, tôi cũng chỉ đọc được một phần ít thôi, tỉ như về Gor-ki tôi chỉ được đọc cuốn Người mẹ, về Pha-đê-ép cuốn Chiến bại” [60]. Nền văn học anh hùng ca của Liên Xô đã thổi một luồng gió mới tràn đầy sinh khí vào cái xã hội Việt Nam đang tù đọng ngột ngạt lúc bấy giờ, bởi vậy, được nhiều thanh niên hồ hởi đón đọc. Tố Hữu cho rằng, “Những tác phẩm lớn ấy đã làm cho tôi sáng mắt sáng lòng và thúc đẩy tôi đi vào con đường cách mạng và văn chương cách mạng”. Những tiếp xúc ban đầu ấy với nền văn chương Xô viết đã có tác dụng lớn đến đường lối lãnh đạo văn nghệ của Tố Hữu sau này.

Sau Cách mạng tháng Tám, môi trường giao lưu văn hóa chỉ diễn ra chủ yếu trong phạm vi các nước XHCN. Bởi vậy, sách văn học Liên Xô được dịch sang Việt Nam với số lượng áp đảo so với sách từ các nước khác. Người ta tính rằng, trong vòng mười ba năm, từ 1954 đến 1967, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xuất bản trên 300 tác phẩm văn học Nga Xô viết [222]. Còn tính đến tháng 5-1985, con số này lên tới 739 tác phẩm [60]. Chưa có lúc nào, nền văn học Nga - Xô viết ảnh hưởng tới văn học Việt Nam sâu sắc như trong giai đoạn 1954 – 1975. Tiểu thuyết lịch sử Người con gái viên đại úy của Puskin là một trong những nền tảng của văn học sử thi Nga – Xô viết cũng được giới thiệu ở Việt Nam. Tiểu thuyết sử thi Tarax Bulba của Gogol xây dựng những chiến binh Cozac dũng cảm ngang tàng, có ảnh hưởng đến nhiều nhà văn Việt Nam khi xây dựng nhân vật anh hùng đa diện. Ba nhà văn Nga – Xô viết có ảnh hưởng lớn nhất đến các nhà văn Việt Nam là L. Tolstoi, M. Gorki và M. Solokhov.

Một trong những nhà văn Việt Nam tiếp xúc với L. Tolstoi sớm nhất là Nguyễn Ái Quốc. Vào những năm 1920, ở nước ngoài, Người đã tiếp xúc với Chiến tranh và hòa bình và nể phục lối viết “rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu” mà đầy sức thuyết phục của đại văn hào L. Tolstoi. “Anatôn Frăngxơ và Lêông Tônxtôi, có thể nói, là người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn” (Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch). Nhà văn Nguyên Hồng đã đọc Chiến tranh và hòa bình bằng tiếng Pháp từ trước 1945. Trong bài, Tác phẩm kỳ diệu ấy đã đến với tôi (1962), ông viết: “Qua bao nhiêu năm cho đến bây giờ, nhắc đến Tônxtôi, dù chỉ ở trong một truyện ngắn mấy trang in, tôi vẫn giữ nguyên cái cảm giác có một thứ ánh sáng và gió mát từ đỉnh núi trắng xóa dội xuống người tôi, ùa vào tâm hồn tôi”. Khi viết các tiểu thuyết trường thiên Cửa biển và Vỡ bờ, Nguyên Hồng và Nguyễn Đình Thi không phải là không bị lôi cuốn bởi cái kết cấu hoành tráng của tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và hòa bình. Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét: “Tác phẩm của Aragông, Eluya, L. Tônxtôi, M. Gorki, Êrenbua có chi phối đến văn xuôi và thơ của Nguyễn Đình Thi. Theo ông cho biết thì Vỡ bờ cũng chịu ảnh hưởng của cấu trúc của những cuốn tiểu thuyết dài như Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi và Sông Đông êm đềm của Sôlôkhốp” [53, tr. 34 ]. Theo Phan Cự Đệ, “trong tiểu thuyết Vỡ bờ, Nguyễn Đình Thi có chú ý học tập kinh nghiệm của Tônxtôi khi mô tả quá trình vận động của tư tưởng và tình cảm con người” [41, T2, tr. 247].

M. Gorki đã được độc giả Việt Nam biết đến từ trước 1945, chủ yếu qua các bản dịch tiếng Pháp. Sau 1945, nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch thơ của M. Gorki được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Bộ ba tự truyện: Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi… hẳn có tác động đến quan niệm “sống rồi hãy viết” của các nhà văn cách mạng. Tiểu thuyết Người mẹ được viết theo cảm hứng anh hùng ca, đề cao vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng vô sản. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà: “Tiểu thuyết Người mẹ của M.Gor-ki có một tác động đặc biệt mạnh mẽ đối với thanh niên cách mạng Việt Nam. Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Học Phi, Nguyễn Đình Thi v.v… cả một thế hệ các nhà văn tiến bộ Việt Nam đã say mê đọc Người mẹ của M.Gor-ki” [60]. Hình tượng những bà mẹ anh hùng trở nên rất phổ biến trong văn học cách mạng miền Nam.

M. Solokhov đã được nhiều bạn đọc Việt Nam biết đến từ thời chống Pháp với tiểu thuyết Họ chiến đấu vì Tổ quốc... Năm 1956, ông công bố truyện Số phận con người gây tranh luận ở Liên Xô và mở đầu cho phong trào viết về những mất mát của người lính thời hậu chiến. “Ảnh hưởng của thiên truyện này đối với sự phát triển của văn xuôi Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa về đề tài chiến tranh thật vô cùng to lớn” (Huy Liên). Tác phẩm này được giới thiệu ở Việt Nam năm 1957, sau đó, bộ phim Số phận con người cũng được đón nhận nồng nhiệt. Hàng loạt tiểu thuyết Việt Nam cũng mạnh dạn đề cập đến những mất mát của người lính thời hậu chiến như: Bốn năm sau, Mùa hoa dẻ, Mùa mưa, Những ngày bão táp, Vào đời, Một chuyện chép ở bệnh viện, Hoa hướng dương… Mẫu nhân vật anh hùng Cozac là Grigori trong Sông Đông êm đềm có ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng nhân vật đa diện trong các tiểu thuyết: Trên mảnh đất này, Sống mãi với thủ đô, Đất lửa, Phá vây, Bên kia biên giới… Tiểu thuyết Đất vỡ hoang được in ở Việt Nam năm 1959, đúng lúc phát động phong trào tập thể hóa nông nghiệp. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều tiểu thuyết viết về nông thôn buổi đầu hợp tác hóa như: Xung đột, Bão biển, Cái sân gạch, Hòn đá cõi… Tiểu thuyết Bão biển có nhiều nét giống với Đất vỡ hoang ở kiểu cốt truyện, cách sắp xếp các chi tiết, sự pha trộn các yếu tố bi hài. Nhiều người cũng cho rằng lão Suca là nguyên mẫu của lão Ba Bơ. Ta có thể thấy dấp dáng của Đavưđov, Nagunnov qua các nhân vật Tiệp, Thất…

Nói đến văn học Liên Xô, bạn đọc Việt Nam không ai là không biết đến cuốn Thép đã tôi thế đấy (Thép đã tôi) của N. Oxtrovxki. Nhân vật Paven Korsaghin là một khuôn mẫu tuyệt vời cho các nhà văn Việt Nam trong việc xây dựng mô hình con người mới XHCN. Bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Con đường đau khổ của A. Tolstoi viết về sự vận động phức tạp của các tầng lớp xã hội cũ trong quá trình hòa nhập xã hội mới, đây là mô típ “ngộ nhận - thức tỉnh” được khá nhiều nhà văn Việt Nam sử dụng. Một số tác phẩm của I. Erenburg như Paris sụp đổ, Thời gian ủng hộ chúng ta, Không kịp lấy lại hơi thở (Không kịp thở)… trở thành những tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà văn Việt Nam viết về đề tài chiến tranh. Cuốn Bão táp có ảnh hưởng đến nhiều tiểu thuyết quy mô lớn của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng… Các nhân vật góc cạnh trong Chiến bại, Đội cận vệ thanh niên của A. Fadeev, Suối thép của Xeraphimovit, Sapaev của Furmanov… có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà văn Việt Nam khi xây dựng các chiến binh dũng cảm nhưng ngang tàng trong những năm đầu chống Pháp. Nhà văn Vũ Tú Nam cho biết: “Tôi có ý muốn viết về những người bình thường, viết về đám đông. Tác giả Suối thép của Xê-ra-phi-mô-vít do Ngô Tất Tố dịch đã ảnh hưởng nhiều đến tôi”. B. Polevoi đã quen thuộc với độc giả Việt Nam từ thời chống Pháp với các tác phẩm Một bản anh hùng ca ra đời, Những người Xô-viết chúng tôi, Một người chân chính… F. Kadakevit được biết đến với các tác phẩm: Ngôi sao (Tinh cầu), Mùa xuân trên sông Ođe… Có người cho rằng, cuốn Ngôi sao có ảnh hưởng đến Lê Khâm khi viết Trước giờ nổ súng. C. Ximonov có khá nhiều tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam như: Đợi anh về, Ngày và đêm, Bạn chiến đấu, Hai chiến sĩ, Xa Mạc Tư Khoa… Ngoài ra, trong giai đoạn 1945 – 1975, các văn nghệ sĩ Việt Nam còn tiếp xúc với rất nhiều nhà văn Nga – Xô viết khác như: Đostoievski, L. Leonov, V. Korelenko, Gorbatov, M. Bubenov, G. Gulia, I. Xantưcov, Sedrin, Pauxtovxki, Iu. Bondarev, V. Raxputin, A. Đumbatde, Bưkov, P. Antonovski, V. Solouklim, A. Fedorov, Ts. Aitmatov, F. Gladkov, V. Kataev, K. Feđin… Những tác phẩm “văn chương tranh đấu”, “văn chương hành động” của họ góp phần truyền cảm hứng anh hùng ca cho các văn nghệ sĩ Việt Nam. Nguyễn Văn Bổng phát biểu: “Những sách ấy của nước bạn gợi ra chúng tôi phải sống và chiến đấu như thế nào, gợi ra cho chúng tôi phải viết về đồng bào, chiến sĩ và đất nước mình đang kháng chiến ra sao ?”.

Nền lý luận văn nghệ Liên Xô đã được giới thiệu rộng rãi có tác dụng định hướng sáng tác cho các nhà văn Việt Nam. Cuốn sách Mác – Ăngghen – Lênin: về văn học nghệ thuật của Phơ – rê – vin, Giăng (NXB Sự thật, H. 1962) được phổ biến khá sâu rộng trong các văn nghệ sĩ Việt Nam. Các văn kiện đại hội đại biểu nhà văn Liên Xô cũng được giới thiệu ở Việt Nam để các nhà văn nắm được đường lối sáng tác trong mỗi thời kỳ. Những cuộc tranh luận về tiểu thuyết và phương pháp sáng tác hiện thực XHCN ở Liên Xô cũng được các nhà văn Việt Nam biết đến qua các cuốn sách: Những cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (V. Trecbina, A. Ivasenko), Những mưu toan đổi mới trong nền tiểu thuyết hiện đại (Donhieperop, Cudonetxop)… Ngoài ra, các dịch giả còn giới thiệu nhiều cuốn sách nói về phương pháp sáng tác của các nhà văn nổi tiếng Liên Xô để các nhà văn Việt Nam học hỏi kinh nghiệm như: Kinh nghiệm viết văn (của các nhà văn Liên Xô, Trung Quốc, cộng hòa dân chủ Đức), Bàn về văn học (M. Gorki), Mấy vấn đề nghệ thuật viết văn (Edobin, V. Trecbina), Công việc của nhà văn (I. Erenburg), Kinh nghiệm viết văn (A. Xaytlin), Nguyên lý lý luận văn học (L. I. Timofeep)… Các tác phẩm lý luận phê bình và văn học nghệ thuật Liên Xô, Trung Quốc trở thành kim chỉ nam cho văn học Việt Nam. Trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập VI, in năm 1962, có đoạn viết: “Có thể nói, không có vấn đề gì mắc míu về lãnh đạo văn học, về sáng tác của ta mà ta không tìm kinh nghiệm và sự viện trợ lý luận ở sách vở Liên – xô, Trung – quốc” [128, tr. 17].

Sau 1945 ở miền Bắc, việc tiếp thu văn nghệ nước ngoài đều có định hướng của Đảng. Các nhà văn chỉ được tiếp thu những tác phẩm nào có lợi cho công cuộc chiến đấu và xây dựng CNXH. Sự tiếp xúc với văn học Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN không phải do ngẫu nhiên mà trở thành một nhiệm vụ chính trị. Tổng bí thư Lê Duẫn đã chỉ rõ: “Con đường đã đi qua của văn học Liên Xô… và các nước trong phe ta cho ta nhiều kinh nghiệm để tiến bộ một cách mau chóng và chắc chắn. Bất kể về lý luận văn nghệ, về nội dung tư tưởng, về hình thức nghệ thuật hoặc về kỹ thuật, ta đều phải ra sức tìm tòi học hỏi trong văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa” [60].

III. Hiện thực chiến tranh và đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam

Năm 1945, dân tộc Việt Nam làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, sự kiện này cũng mở đầu cho một cuộc chiến kéo dài 30 năm. Mọi hoạt động của đời sống dân tộc đều bị chiến tranh chi phối. Nền văn hóa văn nghệ Việt Nam cũng mang đậm dấu ấn chiến tranh.

Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 là một nền văn học sử thi (anh hùng ca). Cơ sở hình thành của nền văn học sử thi là hiện thực chiến tranh của dân tộc. Nhà triết học biện chứng Hegel cho rằng: “Tình huống phù hợp nhất với thơ sử thi là các xung đột của trạng thái chiến tranh. Thực vậy, trong chiến tranh, chính là toàn bộ dân tộc đang vận động. Nó bị kích thích phải hành động vì nó phải bảo vệ toàn bộ mình” (Mỹ học) [70]. Cuộc chiến tranh lần thứ nhất (1945 – 1954) diễn ra trong phạm vi cả nước, toàn dân tộc bị kéo vào vòng chiến giữa Việt Minh và Pháp. Ý thức xả thân vì độc lập dân tộc đã tạo nên hàng vạn anh hùng, điểm tô cho bản anh hùng ca hùng tráng của dân tộc. Nói như Nguyễn Huy Tưởng: “Thời đại chúng ta sống là một thời đại phi thường, một thời đại của “sử thi”, các tướng lĩnh và toàn thể đồng bào đem xương máu sáng tạo nên hàng nghìn, hàng vạn sự tích bi tráng, dọn thành một kho vô tận tài liệu cho văn nghệ mới” [100, tr. 59].

Tuy nhiên, không phải cuộc chiến tranh nào cũng tạo ra một nền văn học sử thi. Cuộc Thế chiến II đã làm nảy sinh một nền văn học sử thi ở Liên Xô, “Đó là thiên sử thi hùng vĩ mà nó đem lại mọi điều cần thiết cho việc xây dựng những quyển sách ngang với Chiến tranh và hòa bình (Yuri Krưmov). Nhưng các nhà văn phương Tây lại nhìn nhận cuộc chiến tranh này ở góc độ bi kịch nên không tạo ra được một nền văn học sử thi. Đối với cuộc chiến tranh Việt Nam 1955 – 1975, nhiều nhà văn Sài Gòn cho đó là cuộc nội chiến giữa hai phe cộng sản và quốc gia. Họ khai thác chiến tranh theo chiều hướng bi kịch hoặc né tránh đề tài này. Bởi vậy cũng không tạo được một nền văn học sử thi. Còn dưới con mắt của các nhà văn miền Bắc cùng thời, thì đó là cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Chỉ có cuộc chiến tranh giữa các dân tộc xa lạ với nhau thì mới có tính sử thi” (Hegel)[70, tr. 595]. Pháp và Mỹ là hai dân tộc xa lạ nên cuộc chiến tranh đã “đánh thức được, đã khơi dậy được và kéo căng ra được toàn bộ sức lực bên trong của một dân tộc” (Belinski). Hãy so sánh văn học miền Bắc trước và sau 1965, ta sẽ thấy sự có mặt của quân đội nước ngoài có ảnh hưởng thế nào đến cảm hứng anh hùng ca trong văn học. Trước 1965, miền Bắc đang thời kỳ khôi phục kinh tế và bước đầu thiết lập quan hệ sản xuất mới. Những khó khăn của thời kỳ này đã sản sinh ra hàng loạt tác phẩm mang cảm hứng thế sự. Ngay cả các tác phẩm viết về cuộc chiến tranh lần thứ Nhất cũng thường khai thác những yếu tố bi hài. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1966, nhà nghiên cứu Nguyễn Nghiệp đã nhận xét: “Ngòi bút anh hùng ca hầu như thiếu hẳn. Chúng ta chưa tạo ra được một truyền thống sử thi vững mạnh…” [154]. Nhưng từ năm 1965, quân đội Mỹ tham chiến ở miền Nam thì cảm hứng anh hùng ca bắt đầu nổi lên trong văn học miền Bắc. Báo chí đăng rất nhiều bài viết về sự cần thiết phải xây dựng những tác phẩm mang âm hưởng anh hùng ca để cổ vũ chiến đấu. “Thời đại anh hùng đòi hỏi nghệ thuật anh hùng” (Gorki). Nhiều cuộc hội thảo cũng bàn về cách thức xây dựng nhân vật anh hùng, tính chất phản ánh hiện thực chiến tranh trong văn học nghệ thuật… Không chỉ xuất phát từ sự chỉ đạo của Đảng mà các văn nghệ sĩ cũng ý thức vai trò to lớn của văn nghệ trong công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng Việt Nam còn giải quyết vấn đề ai thắng ai giữa hai phe XHCN và TBCN trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy người chiến sĩ cách mạng Việt Nam không chỉ chiến đấu cho dân tộc mình mà còn góp phần làm cho “Nghìn năm sau nhân loại ngẩng cao đầu”. “Ta là ai mà trở thành nhân loại”, “Cả năm châu chân lý đang nhìn theo”… Ý thức tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến như vậy cho nên các nhà văn đã say sưa viết những trang văn hùng tráng nhất để ngợi ca nhân dân anh hùng.

Để có được cảm hứng ngợi ca trong văn học thì điều cơ bản là phải có những con người đáng ngợi ca ở ngoài đời. Xã hội Việt Nam thời chiến tranh quả là có rất nhiều người đáng để ngợi ca. “Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Người ta sống vì nhau, yêu thương, đoàn kết để làm thành sức mạnh chung. Hegel gọi thời đại sử thi là thời đại “nên thơ” hay là chế độ “dân chủ quân sự”. Con người sống hồn nhiên, chân thành, tự giác tham gia các công việc chung mà không cần có sự cưỡng ép nào cả. Họ không cần tới hệ thống pháp luật cồng kềnh và các tòa án binh cũng như các nhà tù. Vì trong thời đại anh hùng, thước đo giá trị con người là lòng dũng cảm, ai bị tập thể, xã hội chê là hèn nhát thì đó là cái “án” đau đớn nhất cho anh ta rồi. Bởi vậy, để tránh cái “án” đáng hổ thẹn này, các chiến sĩ không ngại hy sinh xông vào lửa đạn mong lập nhiều chiến công rạng rỡ. Họ hóa thân thành những thiên thần rất đáng để nhân dân chiêm ngưỡng và để các văn nghệ sĩ ghi tạc vào sử sách. Cho nên, mặc dù không có độ lùi về thời gian nhưng nền văn nghệ Việt Nam vẫn tạo ra được cảm hứng ngợi ca thành kính đối với anh bộ đội Cụ Hồ. Nói như A. Tolstoi: “Anh hùng ! Chúng ta cần những anh hùng của thời đại chúng ta. Cần tiểu thuyết anh hùng”. Chính vì ý thức nhu cầu cấp bách của thực tiễn nên các nhà tiểu thuyết cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra một nền tiểu thuyết mang đậm cảm hứng anh hùng ca.

Các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam rất quan tâm tới vai trò của văn nghệ. Ngay từ buổi đầu cuộc chiến tranh lần thứ Nhất, chính phủ Việt Minh đã đề ra khẩu hiệu: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”… Hồ Chí Minh nhắc nhở các văn nghệ sĩ: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”. Hồ Chủ tịch rất quan tâm tới văn nghệ và xem “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Không chỉ định hướng về tư tưởng mà Người còn định hướng về “cách viết”, yêu cầu giới văn nghệ sĩ – báo chí phải xác định đúng đắn các mục đích sau đây khi viết bài: viết cho ai ? (cho công – nông – binh); viết để làm gì ? (để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng); viết cái gì ? (viết về những cái tốt lẫn cái chưa tốt của ta để sửa chữa tiến bộ, vạch trần những cái xấu của địch để gây lòng căm thù)… [172, tr. 21 - 22].

Trong văn học Việt Nam trước 1945 cũng như dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, các văn nghệ sĩ không chịu sự quản lý của chính quyền. Họ tự do sáng tác theo nhiều hệ tư tưởng, trường phái và bút pháp khác nhau nên tạo ra một nền văn học đa dạng. Nhưng trong chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, các văn nghệ sĩ chịu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền cách mạng. Từ năm 1951, Đảng cộng sản ra hoạt động công khai nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cũng tập hợp các văn nghệ vào một lực lượng thống nhất, tránh trình trạng phân chia làm nhiều trường phái, tổ chức văn học như thời tiền chiến. Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ rõ: “Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ đường lối chính sách của Đảng (…) văn nghệ sĩ cộng sản cũng như mọi Đảng viên khác phải phục tùng tổ chức của Đảng” [172, tr. 271 – 272]. Trong chế độ bao cấp ở miền Bắc thời chiến tranh, hầu hết nhà văn là cán bộ, Đảng viên cộng sản, công chức sống lệ thuộc vào tem phiếu nhà nước. Họ thường viết theo sự phân công hoặc đặt hàng của các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Tác phẩm của họ phải phục vụ các chủ trương chính sách của Đảng, cho nên, các tiểu thuyết cách mạng Việt Nam thời chiến tranh mang đậm tính Đảng.

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra tại Việt Bắc năm 1948, Trường Chinh đã trình bày luận văn “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Tác phẩm lý luận này có một vai trò to lớn trong việc định hướng cho các văn nghệ sĩ đi vào quỹ đạo chủ nghĩa Marx. Trường Chinh phê phán chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa trùm chăn, chủ nghĩa thoát ly, chủ nghĩa duy mỹ. Ông đề ra lập trường văn hóa của các văn nghệ sĩ hiện nay là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”. Trong các bài viết của mình, Trường Chinh luôn nhấn mạnh đến tính Đảng cộng sản và tính nhân dân trong văn học. Ông nói về mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ với nhân dân: “Chúng ta chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” chứ không phải “nghệ thuật vị nghệ thuật” (…) Văn nghệ sĩ ta cần đặt cho mình sứ mệnh phục vụ nhân dân, phục vụ công nông binh; không đứng trên quần chúng mà hòa mình với quần chúng, tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng, vui cái vui của quần chúng, lo cái lo của quần chúng, học hỏi quần chúng để sáng tác, đặng góp phần nâng cao ý thức về lẽ sống của mỗi người, chỉ cho mỗi người biết cách yêu ghét, biết cách sống và làm việc” [172, tr. 242].

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng quan tâm tới văn nghệ và yêu cầu văn nghệ sĩ phải toàn tâm toàn lực dùng ngòi bút để phục vụ công cuộc xây dựng XHCN trên miền Bắc. Trong bài nói chuyện với văn nghệ sĩ tại Hội nghị học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng (10 – 1960), ông xác định, “Hiện nay, nhân vật trung tâm của nông thôn đang tiến lên chủ nghĩa xã hội là người nông dân xã viên hợp tác xã (…) Người đó phải có địa vị xứng đáng trong tác phẩm văn nghệ, đó là yêu cầu cấp bách” [47, tr. 36]. Phạm Văn Đồng cũng viết chuyên luận Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ (1969) để thay mặt Đảng nhắc nhở văn nghệ sĩ phụng sự cách mạng. Ông cũng kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là một chủ trương đúng đắn và được các nhà văn cách mạng hưởng ứng.

Tố Hữu là một trong những cán bộ văn hóa chủ chốt của Đảng và tư tưởng của ông có tác động lớn đến đời sống văn nghệ Việt Nam thời chiến tranh. Ông đã xuất hiện trong làng văn nghệ với vai trò một cán bộ văn hóa của Đảng từ thời chống Pháp. Trong Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, Tố Hữu đọc luận văn Xây dựng văn nghệ nhân dân và tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong văn nghệ sĩ. Tố Hữu xác định, cuộc Cách mạng tháng Tám đã mở đường cho nền văn nghệ nhân dân trở thành nền văn nghệ chính thống trong chế độ mới. Văn nghệ sĩ phải phục vụ nhân dân, học hỏi và khai thác khả năng sáng tác vô tận trong quần chúng. Sau khi hòa bình lập lại, Tố Hữu là người tích cực đấu tranh chống lại nhóm Nhân văn giai phẩm. Với tư cách là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ưng, ông trình bày chuyên luận Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân văn giai phẩm” trên mặt trận văn nghệ đọc trong Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam lần thứ ba, ngày 4 – 6 – 1958. Trong đó, ông khẳng định dứt khoát, “Nhất định nền văn nghệ mới của Việt - nam phải là nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa về nội dung, dân tộc về hình thức” [94, tr. 64]. “Vấn đề đặt ra trước mắt cho mỗi anh chị em ta là: phải cải tạo mình kiên quyết, theo lập trường giai cấp vô sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng trình độ chính trị để có thế giới quan đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin; và phải kiên nhẫn, gian khổ đi sâu vào đời sống lao động sản xuất và đấu tranh của quần chúng công nông binh trên miền Bắc nước ta” [94, tr. 83]. Theo lời kêu gọi của Đảng, từ năm 1958 trở đi, văn nghệ sĩ lại có phong trào đi thực tế khắp mọi vùng miền, lĩnh vực cuộc sống để phản ánh những sự đổi thay trong chế độ mới. Năm 1973, Tố Hữu lại cho ra mắt chuyên luận Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta để tổng kết những thành quả đã đạt được đồng thời kêu gọi văn nghệ sĩ tiếp tục viết những tác phẩm có tính Đảng cao để phục vụ chế độ.

(còn tiếp)

Nguồn: Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (xuất bản ở miền Bắc). Tiến sỹ Phạm Ngọc Hiền. NXB Văn học, 5-2010.
Về Đầu Trang Go down
https://ch17vhvndhv.forum-viet.com
 
Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (1)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tiểu thuyết Việt Nam 1945-1975 (2)
» VẬN DỤNG LÝ THUYẾT MỸ HỌC CỦA HÊGHEN ĐỂ TÌM HIỂU HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA NỀN VĂN HỌC SỬ THI VIỆT NAM 1945 - 1975
» THỬ NHẬN DIỆN TIỂU THUYẾT TỪ SAU 1945
» Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn đàn lớp mình :: Your first category :: Lớp Cao Học 17 VHVN-
Chuyển đến